Blog

Định dạng Logo trong Thiết kế và Cách sử dụng

19/01/2019

Khi nhận file logo kỹ thuật số, bạn có thể tự hỏi – giờ thì mình phải làm gì với thứ này đây? Tại sao lại có nhiều định dạng khác nhau đến vậy? File vector là cái gì thế?

Khi thiết kế logo, chọn đúng loại file để sử dụng cho các mục đích cụ thể như in trên danh thiếp doanh nghiệp, treo ảnh bìa trên Facebook hay cho lên áo phông là vô cùng quan trọng. Các định dạng logo phổ biến là:

  • PNG
  • SVG
  • EPS
  • PDF

Một file ảnh có thể được xác định nhờ phần đuôi, ví dụ như: logo.png, logo.eps và tương tự. Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn hiểu rõ tính chất của từng định dạng file, cách sử dụng và cách mở.

1. PNG – Portable Network Graphic

File PNG có thể được dùng để phục vụ hầu hết mọi mục đích kỹ thuật số. Ngoài ra, loại định dạng này còn hữu hiệu khi bạn muốn tạo ra logo trong suốt để đặt trên nền màu hoặc trên các các ảnh khác. Tuy nhiên, không nên dùng định dạng tệp này trong in ấn.

Ưu điểm của file PNG là gì?

  • Ảnh sẽ không bị giảm chất lượng khi nén hoặc giải nén kích thước
  • Có khả năng hiển thị hàng triệu màu sắc
  • Hỗ trợ hiển thị nền trong suốt
  • Dễ đọc và truy cập định dạng file raster

Dùng file PNG khi bạn muốn chèn logo vào:  

  • Website và blog (bao gồm cả favicon của bạn – biểu tượng nhỏ xuất hiện ở các tab trên trình duyệt)
  • Bài thuyết trình
  • Tiêu đề thư trên tài liệu Word hoặc Google
  • Trang cá nhân hoặc ảnh bìa trên mạng xã hội
  • Shop online hoặc các nền tảng như Shoppee
  • Hình ảnh (ví dụ như khi muốn chèn watermark)

Làm thế nào để mở file PNG?
Bạn có thể mở tệp PNG trên máy tính, thiết bị di động và máy tính bảng nhờ tính năng dễ đọc và dễ truy cập của loại định dạng này. Hầu hết các trình duyệt cũng cho phép bạn xem file PNG mà không cần tải xuống.

2. SVG – Scalable Vector Graphic

Các SVG được phát triển dành cho các trang web sử dụng công thức toán học thay vì các điểm màu pixel riêng lẻ trên trang. Các tệp vectơ sẽ luôn sắc nét và được duy trì chất lượng – do đó, bạn nên sử dụng định dạng SVG bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là khi in ấn logo.

Ưu điểm của file SVG là gì?

• Có thể được thu nhỏ và phóng to theo bất kỳ kích thước nào mà không làm giảm chất lượng hình ảnh (vẫn vô cùng sắc nét trên màn hình retina)

• Định dạng tập tin vector

• Kích thước tệp nhỏ hơn so với PNG và JPG

• Sử dụng ngôn ngữ trình duyệt XML phù hợp với các trang web và có thể chỉnh sửa trên các phần mềm thiết kế như Adobe Illustrator

• Hỗ trợ hiển thị nền trong suốt

Dùng file SVG khi bạn muốn chèn logo vào:

• Ấn phẩm in (danh thiếp, áp phích, tờ rơi v.v.)

• Quần áo và vải nói chung

• Sticker và bao bì

• Trang web (lưu ý: bạn phải biết cách viết code bởi hầu hết các nhà xây dựng trang web, bao gồm cả WordPress và Squarespace, đều không chấp nhận file SVG)

•… hoặc bạn cần gửi logo của mình cho nhà thiết kế để thực hiện thay đổi định dạng

Làm thế nào để mở file SVG?

Bạn có thể mở tệp SVG trên các trình duyệt như Chrome, Firefox, Edge, Safari, Internet Explorer, bằng Adobe Illustrator hoặc trên các chương trình Adobe khác như Photoshop hay InDesign với plugin SVG.

Định dạng file này cũng vô cùng hiệu quả khi bạn muốn gửi cho nhà thiết kế để họ sửa logo giúp bạn. Inkscape và GIMP là hai chương trình miễn phí hỗ trợ các tệp SVG (lưu ý: chúng tôi không khuyến khích chỉnh sửa file SVG trên các chương trình này).

Mẹo hay nên biết:
Bạn nên gửi cả file SVG với nền trong suốt và nền có màu để dùng cho các mục đích khác nhau. Một số máy in có thể đọc tệp SVG, nhưng nên kiểm tra trước khi gửi để đảm bảo bạn có thể cung cấp định dạng tệp tương thích.

3. EPS – Encapsulated PostScript

File EPS là định dạng đồ họa của các hình ảnh được tạo ra từ vector bằng Adobe Illustrator. Định dạng này cũng được sử dụng cho mục đích in ấn và chỉnh sửa, thường được gọi là “tệp nháp” hoặc “tệp gốc”. 

Ưu điểm của file EPS là gì? 

• Dễ dàng chỉnh sửa kích thước khi in (có thể phóng lớn như bảng quảng cáo và thu nhỏ lại như danh thiếp)

• Định dạng tập tin vector

• Có thể chỉnh sửa trên các phần mềm thiết kế như Adobe Illustrator hoặc Photoshop

• Hỗ trợ hiển thị nền trong suốt

Dùng file SVG khi bạn muốn chèn logo vào:

  • Ấn phẩm in (danh thiếp, áp phích, tờ rơi v.v.)
  • Sticker và bao bì
  • Quần áo và vải nói chung
  • Hoặc dùng khi bạn cần gửi logo cho nhà thiết kế để chỉnh sửa.

Làm thế nào để mở file EPS?
Nếu không có Illustrator hoặc Photoshop, bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn mở file EPS; tuy nhiên bạn vẫn có thể tải các phần mềm như Sketch hoặc Inkscape để truy cập vào file này.

Mẹo hay nên biết:
Khi gửi logo dưới định dạng EPS, bạn nên đính kèm cả bản có màu nền và bản trong suốt để phục vụ các nhu cầu in ấn và chỉnh sửa khác nhau. Hầu hết mọi nhà in và nhà thiết kế đều nhận file EPS nhưng hãy kiểm tra trước khi gửi để đảm bảo là file bạn gửi tương thích.

4. PDF – Portable Document Format

PDF là một định dạng tệp khác được phát triển bởi Adobe. Loại tệp này thường được sử dụng để đọc tài liệu, nhưng cũng có thể được dùng để chia sẻ hình ảnh, bao gồm cả logo.

Ưu điểm của file PDF là gì?

• Định dạng tệp dễ đọc

• Định dạng không đổi trên mọi thiết bị

• Hỗ trợ hiển thị nền trong suốt

• Dễ dàng chia sẻ

Dùng PDF khi bạn muốn chèn logo vào:

  • Ấn phẩm in (danh thiếp, áp phích, tờ rơi v.v.)
  • Sticker và bao bì
  • Quần áo và vải nói chung

Làm thế nào để mở PDF?
Bởi đây là một định dạng tệp dễ đọc và phổ biến, bạn có thể tải xuống và mở tệp PDF trên máy tính, thiết bị di động và máy tính bảng. Hầu hết mọi trình duyệt đều cho phép bạn xem trước tệp PDF mà không cần tải xuống và mở trong phần mềm bổ sung khác. Chương trình phù hợp để mở PDF nhất là Adobe Acrobat Reader. Phần mềm này có thể tải xuống miễn phí và có sẵn trong hầu hết các máy tính.

Để chỉnh sửa tệp logo PDF, bạn sẽ cần Adobe Illustrator hoặc Photoshop.

Tóm lại

Khi thiết kế logo, chọn đúng loại định dạng file cho từng mục đích cụ thể là vô cùng quan trọng. Đây là tổng hợp một vài kết luận:

  • Nếu bạn đang dùng logo cho các mục đích kỹ thuật số - từ thuyết trình PowerPoint cho đến chèn watermark vào ảnh — hãy chọn file PNG.
  • Nếu bạn muốn in ấn logo trên các sản phẩm như danh thiếp, tài liệu quảng cáo, quần áo và vải vóc nói chung, vân vân, hãy chọn file vector. Dùng SVG nếu máy in bạn dùng đọc được – hoặc nếu không hãy dùng EPS hoặc PDF.
  • Nếu bạn muốn gửi logo cho nhà thiết kế để chỉnh sửa, hãy gửi file SVG hoặc EPS trừ khi họ yêu cầu cụ thể định dạng khác.

Chúc bạn xây dựng thương hiệu thành công!